Vào ngày 13/10/2023 nhân sự kiện “Triển lãm và Hội thảo Quốc tế về ngành Cấp thoát nước, Công nghệ lọc nước và Xử lý nước thải Việt Nam, VIETWATER 2023” do công ty Informa Markets tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế SECC TP Hồ Chí Minh, Hội hợp tác các phòng thí nghiệm Vinatest TP Hồ Chí Minh đã đồng hành cùng công ty Informa Markets tổ chức buổi “Hội thảo về Công nghệ mới trong Phân tích và Xử lý nước”.
Theo công ty tổ chức, đây là lần triển lãm thứ 14 về ngành nước tại Việt Nam và có hơn 400 hãng sản xuất, đơn vị từ trên 25 quốc gia có sản phẩm giới thiệu và trưng bày tại triển lãm.
Tham dự hội thảo về phân tích và xử lý nước lần này có khoảng 50 người đến từ các phòng thí nghiệm, các trường đại học và từ các tổ chức chứng nhận, công nhận và các cơ sở xử lý nước đến dự.
Phần nội dung báo cáo có 03 đề tài:
1. “Phân tích nước bằng phương pháp tiên tiến, hiện đại với IC và ICP-MS”.
Các máy sắc ký ion IC và quang phổ plasma cảm ứng ghép nối khối phổ ICP-MS là những thiết bị rất hiện đại, giá trị cao. Bài báo cáo này do Thạc sĩ Trần Chí Dũng, Phó phòng thí nghiệm môi trường của Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP Hồ Chí Minh – CASE trình bày.
Diễn giả giới thiệu việc yêu cầu cần phân tích các anion, cation và các nguyên tố kim loại có trong nước theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật QCVN 01-1:2018/BYT và theo yêu cầu của Chỉ thị Liên Âu (EU Directive) 2020/2184.
Tác giả đã lướt qua các phép phân tích anion; cation; kim loại theo phương pháp truyền thống và giới thiệu xuhướng mới hiện nay là phân tích trên các thiết bị sắc ký ion IC; quang phổ hấp thu nguyên tử
AAS, quang phổ phát xạ plasma cảm ứng ICP-OES và thiết bị quang phổ plasma cảm ứng kết nối khối phổ ICP-MS; đồng thời so sánh những điểm mạnh, điểm yếu của từng phương pháp.
Với kiến thức về lý thuyết và kinh nghiệm đã qua quá trình thực nghiệm trên các thiết bị hiện đại này tại CASE, tác giả kết luận ứng dụng các phương pháp tiên tiến sẽ cho kết quả nhanh hơn, đồng thời, có độ nhạy phát hiện thấp hơn và độ tin cậy cao hơn, tuy nhiên cần phải đầu tư thiết bị nhiều hơn.
2. “Công nghệ và hệ thống xử lý nước tuần hoàn khép kín cho nuôi trồng thủy sản bền vững”
PGS/TS Phạm Ngọc Tuấn, giảng viên cao cấp của trường Đại học Bách khoa-Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trình bày đề tài này. Nội dung bao gồm cách đặt vấn đề, các giải pháp; sản phẩm và ứng dụng của đề tài.
Trong điều kiện nuôi trồng thủy sản hiện nay của nước ta đã nảy sinh một số vấn đề liên quan ô nhiễm môi trường; sức khỏe của thủy sản và con người bị ảnh hưởng, hiệu quả kinh tế không cao và còn tồn tại rất nhiều hạn chế.
Từ các vấn đề đó, tác giả đề xuất cần phải có giải pháp hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System RAS). Giải pháp này đã được cơ quan FAO và EURO FISH khuyến cáo và đã được một số nước áp dụng.
Nội dung và ý nghĩa tuần hoàn là nước nuôi trồng thủy sản được chuyển qua bể lọc cơ học, lọc sinh học rồi loại bỏ khí, sau đó được làm giàu oxy, diệt khuẩn bằng UV và đưa trở lại bể nuôi.
Tác giả cũng phân tích những hạn chế theo phương pháp truyền thống và các giải pháp khi áp dụng RAS. Ưu điểm của hệ thống RAS này là khi áp dụng có sự đảm bảo về môi trường, sức khỏe của con tôm tốt (rất nhạy cảm với vi sinh vật), hiệu quả kinh tế, vận hành đơn giản và có sự phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
3. “Nhận xét sơ bộ về kết quả của PTN qua chương trình thử nghiệm thành thạo nước sạch trong thơi gian qua”.
Thạc sĩ Phan Thành Trung, Trưởng PTN của Trung tâm Kỹ thuật 3 (Quatest 3) báo cáo giới thiệu về một công cụ nhằm đánh giá năng lực của các PTN, đó là các chương trình thử nghiệm thành thạo-TNTT (Proficiency Testing-PT).
Nói chung, các chương trình PT đã được Hội Vinatest và Trung tâm Kỹ thuật 3 quan tâm và triển khai tham dự từ 30 năm trước. Trong lần giới thiệu này, Quatest 3 trình bày và nhận xét sơ bộ về kết quả của 20 chương trình TNTT về mẫu nước sạch mà Trung tâm đã tổ chức trong 2 năm 2021-2022.
Tổng số PTN tham gia là 282 lần, với 904 chỉ tiêu thử nghiệm về hoá lý và vi sinh. Đây là một con số khá lớn về TNTT, trong đó miền Nam chiếm 60 %; miền Bắc 18 %, miền Trung 13 % và đặc biệt có các PTN nước ngoài như Indonesia, Malaysia, Myanmar; Cambodia tham dự với tỉ lệ 9 %.
Nhận xét sơ bộ kết quả của các PTN mẫu nước qua các chương trình TNTT cho thấy có đến 88,1 % kết quả thử nghiệm nước đạt yêu cầu; trong khi có 8,3 % có kết quả lạc, không đạt và có 3,7 % kết quả ở diện nghi ngờ!
Với kết quả đạt yêu cầu 88,1 % như vậy, chúng ta có nhận xét ban đầu là các PTN trong nước có tham gia chương trình, hiện nay đã chứng tỏ trình độ, có năng lực đáp ứng yêu cầu về thử nghiệm nước sạch theo các quy chuẩn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, diễn giả cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho các chương trình sắp đến đạt kết quả tốt hơn, nâng cao năng lực của các PTN trong lĩnh vực phân tích nước sạch.
Được biết chương trình TNTT của Quatest 3 đã được tổ chức American Association for Laboratory Accreditation A2LA Hoa Kỳ công nhận là “Tổ chức cung cấp dịch vụ thử nghiệm thành thạo” theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17043:2010.
Tài liệu hội thảo vui lòng tải tại các link bên dưới:
- Báo cáo 1. Phân tích nước bằng phương pháp tiên tiến và hiện đại: Khối phổ plasma ghép cảm ứng ICP-MS và sắc ký ion IC.
Người trình bày: ThS. Trần Chí Dũng, Phó trưởng phòng Phân tích Môi trường. Trung âm Dịch vụ Phân tích Thí Nghiệm – CASE TP Hồ Chí Minh.
- Báo cáo 2. Công nghệ và hệ thống xử lý nước tuần hoàn khép kín cho nuôi trồng thủy sản bền vững.
Người trình bày: PGS/TS Phạm Ngọc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM. - Báo cáo 3. Một số nhận xét sơ bộ về kết quả thử nghiệm nước sạch qua các chương trình thử nghiệm thành thạo PT trong thời gian qua.
Người trình bày: ThS. Phan Thành Trung, Trưởng phòng Thử nghiệm, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 – Quatest 3.