Trong thời gian gần đây, nhóm nghiên cứu tại Khoa Đảm bảo chất lượng, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng thành công Quy trình sản xuất mẫu chuẩn được chứng nhận imidacloprid trong cà chua.
Mẫu chuẩn được chứng nhận (Certified Reference Material, CRM) là gì?
Mẫu chuẩn (Reference Material, RM) là vật liệu, đủ đồng nhất và ổn định đối với một hay nhiều tính chất quy định, được thiết lập phù hợp với mục đích sử dụng dự kiến trong quá trình đo.
Mẫu chuẩn được chứng nhận (CRM) là mẫu chuẩn đặc trưng bằng quy trình có hiệu lực đo lường đối với một hoặc nhiều tính chất quy định, cùng với giấy chứng nhận RM cung cấp giá trị của tính chất quy định, độ không đảm bảo kèm theo và công bố về liên kết chuẩn đo lường.
(Nguồn: Tiêu chuẩn TCVN 8890:2017 Thuật ngữ và định nghĩa về mẫu chuẩn).
Vai trò của CRM trong đảm bảo chất lượng thử nghiệm
Sử dụng CRM là hình thức kiểm soát chất lượng ở mức cao nhất trong phân tích, kiểm nghiệm. Mẫu chuẩn chứng nhận được dùng để đánh giá độ đúng và độ chụm của phương pháp hoặc để hiệu chuẩn phương tiện đo. Vì vây, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo kết quả thử nghiệm của các phòng thí nghiệm.
Những thách thức trong việc trang bị CRM tại Việt Nam
Hiện nay, các mẫu chuẩn của các chỉ tiêu hóa chất bảo vệ thực vật (HCBCTV) trên nền mẫu rau củ được sử dụng trong lĩnh vực kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, giá thành của các mẫu chuẩn này còn rất cao, quá trình vận chuyển phức tạp, nền mẫu chưa phong phú và đặc biệt nhiều loại không có sẵn tại các hãng cung cấp. Do đó, phần lớn các phòng thử nghiệm tại Việt Nam chưa sử dụng CRM trong kiểm soát chất lượng kết quả thử nghiệm mà chủ yếu sử dụng kỹ thuật thêm chuẩn trên nền mẫu. Việc thêm chuẩn trên nền mẫu có thể chưa phản ánh đúng những ảnh hưởng của nền mẫu với kết quả thử nghiệm.
Nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất mẫu CRM
ThS. Nguyễn Thị Minh Hòa, nghiên cứu viên Khoa Đảm bảo chất lượng thuộc Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia – trưởng nhóm nghiên cứu cho biết dư lượng HCBVTV nói chung và imidacloprid nói riêng trong thực phẩm đã gây ra mối lo ngại về sức khỏe con người do khả năng gây độc cấp tính và mãn tính của chúng. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 50/2016/TT-BYT về quy định giới hạn tối đa dư lượng HCBVTV trong thực phẩm. Do đó, việc kiểm nghiệm HCBVTV trong mẫu rau quả rất quan trọng và cần thiết trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm ở cả Việt Nam và Thế giới. Hơn thế nữa, imidacloprid là HCBVTV xuất hiện thường xuyên trong mẫu cà chua. Vì vậy, việc sản xuất thành công mẫu chuẩn imidacloprid trong cà chua sẽ giải quyết được những khó khăn từ trước đến nay của các phòng thí nghiệm, giúp cho kết quả phân tích chính xác và đáng tin cậy hơn.
Sau thời gian tìm hiểu, nhóm nghiên cứu thấy rằng mẫu chuẩn cà chua được sản xuất phổ biến trên Thế giới ở dạng đông lạnh. Tuy nhiên, nhận thấy mẫu cà chua trong quá trình đông lạnh dễ bị tách lớp khiến độ đồng nhất của mẫu không cao và việc bảo quản, vận chuyển mẫu ở cũng đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ nên nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu nghiên cứu theo hướng nghiên cứu mới là sản xuất mẫu cà chua dạng đông khô. ThS. Nguyễn Thị Minh Hòa cũng chia sẻ nhóm nghiên cứu đã phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu và khảo sát bởi việc nghiên cứu sản xuất mẫu chuẩn tại Việt Nam hầu như chưa được thực hiện đa dạng nền mẫu cũng như chưa có nghiên cứu về mẫu chuẩn hóa chất bảo vệ thực vật trên nền mẫu thực phẩm. Hơn thế nữa, các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này trên Thế giới được công bố còn rất hạn chế.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Thị Ánh Hường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng mẫu chuẩn imidacloprid trong cà chua đã được tiến hành nghiên cứu một cách toàn diện. Quá trình sản xuất được tối ưu sau khi thực hiện nghiên cứu so sánh các kỹ thuật khác nhau (bảo quản lạnh, đông khô sau khi thêm chất phân tích, đông khô trước khi thêm chất phân tích). Quy trình mô tả đặc tính đặc tính mẫu chuẩn tuân theo ISO 17034:2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở nhiệt độ bảo quản 4°C, mẫu chuẩn cà chua đông khô được ước tính là ổn định trong ít nhất 552 ngày, trong khi ở nhiệt độ -20°C, thời hạn sử dụng ước tính ít nhất là 704 ngày.
Kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học quan trọng trong việc góp phần hỗ trợ các phòng thử nghiệm thực phẩm tại Việt Nam đảm bảo chất lượng kết quả thử nghiệm. Thành công của nghiên cứu không chỉ đem lại những giá trị thực tiễn cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn đóng góp ý nghĩa to lớn trong quá trình kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Các thành viên của nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tiếp tục phát triển nghiên cứu đối với tất cả các HCBVTV trên các nền mẫu rau củ phổ biến tại Việt Nam đồng thời thực hiện chứng nhận mẫu chuẩn theo tiêu chuẩn TCVN ISO 17034 để có thể cung cấp cho các phòng thử nghiệm tại Việt Nam trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Kiểm nghiệm và An toàn thực phẩm, số 7, tập 1, năm 2024. Mọi thông tin chi tiết về nghiên cứu có thể tra cứu tại website của Tạp chí Kiểm nghiệm và An toàn thực phẩm theo đường link:
A comprehensive study on reference material of Imidacloprid in tomato matrix (https://vjfc.nifc.gov.vn/vn/article?id=4212)
Tác giả: Vũ Ngọc Tú – Tạp chí Kiểm nghiệm và An toàn thực phẩm