Nâng cao năng lực giám định ADN trong công tác xác định danh tính các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong những đơn vị được nhà nước giao nhiệm vụ tham gia thực hiện Đề án Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo thống kê từ Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội, có khoảng gần 500.000 hài cốt cần được phân tích ADN. Trong khuôn khổ Đề án này, Viện Công nghệ sinh học là một trong ba đơn vị trực tiếp thực hiện ứng dụng phương pháp phân tích ADN từ các mẫu sinh phẩm hài cốt và thân nhân.

Từ góc nhìn chuyên môn và ý kiến của các chuyên gia trên thế giới về di truyền học hình sự, Đề án này hiện là công trình giám định qui mô lớn nhất thế giới với số lượng mẫu khổng lồ và rất nhiều thách thức về kỹ thuật bởi nhiều lý do. Phần lớn các mẫu hài cốt đã bị phân hủy mạnh trong môi trường nhiệt đới, các mẫu ADN tách chiết được có số lượng ít, chất lượng kém trong đó các mẫu ADN bị đứt gãy mạnh và bị lẫn với ADN của vi sinh vật và các chất ức chế ảnh hưởng tới quá trình nhân bản gen. Các liệt sĩ hi sinh khi tuổi còn trẻ, phần đông không có con cái và cha mẹ của họ đã mất. Do đó việc phân tích quan hệ cha con hầu như không thể thực hiện được mà phải dựa trên các mối quan hệ họ hàng khác. Hơn nữa, các số liệu về tần suất dân số (pop-ulation data) của các chỉ thị dùng trong giám định hầu như chưa có đối với dân số Việt Nam hoặc chỉ có đối với một nhóm dân số, không phù hợp cho việc phân tích thống kê. Viện Công nghệ sinh học xác định cần phải nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất mới có thể thực hiện được nhiệm vụ lớn lao và đầy thách thức này.

GS Bruce Budowle và các cán bộ Trung tâm Giám định ADN

GS Bruce Budowle và các cán bộ Trung tâm Giám định ADN

Đầu năm 2016, Viện Công nghệ sinh học đã cử một nhóm gồm sáu cán bộ giám định tham gia khóa đào tạo tại một số tổ chức hàng đầu về giám định hình sự tại các nước Châu Âu. Khóa học được thiết kế dựa trên các ý kiến đóng góp của mạng lưới các chuyên gia di truyền hình sự và chuyên gia công nghệ dưới sự điều phối của Công ty Công nghệ sinh học và xét nghiệm uy tín BioGlobe (Hamburg, Đức). Trong khóa học này, các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học được trực tiếp quan sát và thực hành các qui trình về giám định hình sự tại Ủy ban Quốc tế về Người mất tích (ICMP) tại Bosnia và Herzegovina, Viện Khoa học Hình sự Hà Lan và SMART Research tại Hà Lan, Đại học Y Hamburg-Ep-pendorf tại Đức, Trụ sở chính QIAGen và Eppendorf tại Đức. Cụ thể, nhóm các nhà khoa học được tiếp cận một cách bao quát qui trình phân tích giám định chuyên nghiệp tại các phòng thí nghiệm giám định của ICMP (Bosnia và Herzegovina) từ việc phân phối mẫu, thu thập thông tin nhân chủng học, cách lấy mẫu phục vụ tách chiết ADN, qui trình tách chiết và phân tích hồ sơ ADN. Tại đây, hàng chục nghìn mẫu sinh phẩm của các nạn nhân chiến tranh Yugosolavia, nạn nhân từ các trận xung đột quyền con người tại Nam Phi, Chile, và Columba, nạn nhân các trận thiên tai (bão Katrina, bão Frank Philippine) và nạn nhân của các vụ rơi máy bay đã được phân tích và xác định. Các cán bộ được học hỏi rất nhiều kiến thức chuyên môn cập nhật cũng như các kinh nghiệm thực tế quý báu từ các chuyên gia giám định hàng đầu thế giới tại tổ chức này.

Mảng việc quan trọng tiếp theo trong giám định hình sự là việc phân tích và đưa ra số liệu thống kê đã được giới thiệu trong các phần đào tạo tại SMART Re-search (Nijmegen, Hà Lan). Nhóm cán bộ tham gia đào tạo đã được giới thiệu khái quát từ toán thống kê di truyền đến cách sử dụng phần mềm chuyên biệt (Bonaparte) trong phân tích huyết thống. Nhóm cũng được thăm Viện Khoa học Hình sự Hà Lan (Den Haag, Hà Lan), cơ quan sử dụng rất hiệu quả phần mềm này trong xác định hình sự nói chung và xác định nạn nhân của vụ rơi máy bay MH17 (tháng 7 năm 2014) nói riêng để trao đổi kinh nghiệm thực tế.

ADN-2

Đào tạo phân tích thống kê và sử dụng phần mềm Bonaparte tại Smart Research (Nijmegen, Hà Lan).

Theo đánh giá và phân tích của các chuyên gia hàng đầu về giám định ADN như GS.TS Bruce Budowle (Đại học North Texas, Hoa Kỳ), GS.TS. Thomas Parsons (Giám đốc Khoa học ICMP) và TS. Timothy McMahon (Căn cứ không Quân Hoa Kỳ), cơ quan nghiên cứu đầu ngành như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần phải xây dựng được chiến lược về qui trình, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện và nguồn mẫu và đặc biệt phải triển khai càng sớm càng tốt các nghiên cứu quan trọng về tần suất các chỉ thị và ứng dụng các phương pháp mới như giải trình tự thế hệ mới thứ 2 và thứ 3 vào nghiên cứu các chỉ thị giám định đặc trưng cho người Việt Nam. Các số liệu về dân số là một yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao tính chính xác của phân tích giám định ADN.

ADN-3

Thảo luận cùng với GS. TS. Thomas Parson về chiến lược phù hợp cho công tác giám định thuộc Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu trông tin

Song song với việc gửi cán bộ đi đào tạo tại các cơ sở nước ngoài, một số lượng lớn các cán bộ nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học cũng tham rất tích cực các khóa đào tạo do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) mời các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam giảng dạy. Trong số đó có GS Bruce Budowle, Giám đốc Trung Viện Nghiên cứu Di truyền Hình sự – Trung tâm Khoa học Sức khỏe – Đại Học Bắc Texas – Hoa Kỳ, đã tới thăm và trao đổi kinh nghiệm về công nghệ phân tích ADN trong giám định hình sự. Trong giai đoạn một, các học viên được tham gia đào tạo về di truyền hình sự nâng cao, và được trực tiếp hướng dẫn các thao tác qui chuẩn trong phòng thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm giám định thuộc Viện Công nghệ sinh học. Giai đoạn tiếp theo, các khóa học sẽ được tiếp tục triển khai với qui mô và nôi dung phù hợp hơn với thực tế của các phòng thí nghiệm cũng như thực trạng mẫu sinh phẩm của Việt Nam. Các cán bộ sau khi kết thúc các khóa đào tạo đã và đang gấp rút triển khai tối ưu các qui trình tách chiết ADN từ các mẫu khó, thực hiện tuân thủ theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng áp dụng chuyên biệt cho phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn (ISO 17025) trong toàn bộ các bước xử lý mẫu và xây dựng bộ qui trình chuẩn (Standard Operating Proce-dure – SOP) phục vụ công tác giám định. Đồng thời, Viện Công nghệ sinh học đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức quốc tế như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Phòng Thí nghiệm xác định ADN thuộc Căn cứ Không quân Hoa Kỳ (AFDIL) tại Dover và Ủy ban Quốc tế về người mất tích (ICMP) tại Bosnia và Herzegovina để phát triển Trung tâm Giám đinh ADN – Viện Công nghệ sinh học thành đơn vị hạt nhân về tách chiết và phân tích giám định ADN các mẫu xương lâu năm.

Theo Bản tin KHCN: TS. Trần Thị Thanh Huyền.

Phó Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học