Đã đến thời của công nghệ đóng gói “xanh”

Mỗi tấn rác thực phẩm tương đương 3,5 tấn khí CO2 thải ra, trong khi mỗi tấn bao bì tạo ra 1-2 tấn khí thải.

Gần 1/3 lượng thực phẩm làm ra – tương đương 1,3 tỉ tấn – chưa bao giờ đi hết quãng đường từ nông trại đến bàn ăn, theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp Quốc (FAO). Tại các nước nghèo, phần lớn lượng thực phẩm này trở thành rác, thậm chí trước khi người tiêu dùng kịp nhìn thấy chúng. Lý do là thực phẩm được cất trữ, đóng gói kém, bị sâu bọ, côn trùng làm hư hại; hoặc các con đường đầy ổ gà khiến cho thực phẩm bị hư trong quá trình vận chuyển ra chợ, siêu thị. Tại các nước giàu, thực phẩm bị bỏ đi có nhiều dạng: các món đồ chưa bao giờ được nhấc ra khỏi các kệ, quầy hàng ở siêu thị; người đi chợ mua thực phẩm nhưng rồi sau đó quên bẵng cho đến khi chúng không còn dùng được nữa do quá hạn.

Lượng rác thải thực phẩm khổng lồ này là một sự hoang phí tiền của rất lớn, trong khi hàng triệu người còn nghèo đói và nó còn cho thấy tiền bạc được chi không đúng cách. Rất ít nhà sản xuất và các công ty chế biến thực phẩm ghi lại chính xác những gì họ đã thải đi và các siêu thị, chợ cũng không chia sẻ những thông tin như vậy. Nhưng một số ước tính lại cho thấy các nhà bán lẻ được cho là bỏ đi khoảng 2-4% lượng thịt, chẳng hạn. Thậm chí giảm một lượng rất nhỏ trong con số ấy cũng có nghĩa là hàng triệu USD tiết kiệm được cho các chuỗi cửa hàng lớn.

Thực phẩm bỏ phí cũng gây hại cho môi trường. Lượng nước, phân bón, nhiên liệu và các nguồn lực khác được sử dụng để làm ra những thực phẩm chưa bao giờ được dùng đến là rất lớn. Lượng khí thải ra trong suốt quá trình sản xuất những thực phẩm bị bỏ phí ấy vượt qua cả lượng thải khí của toàn bộ đất nước Brazil. Lãng phí thịt cũng gây tác hại không kém cho môi trường: gia súc tạo ra lượng thải khí còn nhiều hơn cả hạm đội xe của toàn thế giới. Tiêu thụ thịt đỏ cũng dự kiến tăng 3/4 đến giữa thế kỷ này khi tầng lớp người giàu gia tăng tại Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác bắt đầu khoái thưởng thức loại thịt này. Hiện tại, Liên hiệp Quốc đang muốn cắt giảm phân nửa lượng rác thực phẩm mỗi người tại các cửa hàng và hộ gia đình vào năm 2030 theo chương trình “Các mục tiêu phát triển bền vững”.

donggoixanh-21-3-2017

Những bao bì đóng gói tốt hơn sẽ giúp tăng gấp đôi thời gian mà một số món thịt còn được bày trên kệ. Ảnh: Sơn Phạm

Câu trả lời cho vấn đề này nằm ở những gói bao bì trong suốt. Nhiều năm nay, bao bì thực phẩm nhận không ít lời chỉ trích của các nhà hoạt động môi trường, nhưng thực tế, chúng có thể góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm. Một ví dụ là những bao bì đóng gói tốt hơn sẽ giúp tăng gấp đôi thời gian mà một số món thịt còn được bày trên kệ, nhờ đó đảm bảo các nguồn lực quý giá được sử dụng một cách hiệu quả hơn.

Đóng gói chân không cũng giúp ích rất nhiều. Các gói bao bì được hút chân không giúp ngăn cản quá trình oxy hóa, có nghĩa rằng thịt có thể ở trên các quầy kệ từ 5-8 ngày, thay vì chỉ 2-4 ngày. Đóng gói chân không cũng giúp cho thịt mềm hơn. Các nhà bán lẻ Anh là những đơn vị đi tiên phong trong việc giảm lượng thực phẩm bỏ phí bằng cách đóng gói một cách thông minh, theo Ron Cotterman thuộc Sealed Air, một tập đoàn đóng gói bao bì Mỹ có mặt tại hơn 160 quốc gia với những khách hàng lớn như Walmart và Kroger.

J. Sainsbury (Anh) cũng là một khách hàng của Sealed Air và doanh nghiệp này đang hưởng lợi từ một cách tiếp cận mới. Jane Skelton, đứng đầu bộ phận đóng gói tại J. Sainsbury, cho biết trong năm tài chính vừa qua, chuỗi cửa hàng này đã giảm được lượng thực phẩm bỏ đi tới hơn phân nửa sau khi áp dụng đóng gói chân không cho nhiều dòng sản phẩm bò bít-tết hơn. Kroger cũng đảm bảo rằng các loại phó mát ở các quầy bán thức ăn phải được đóng gói chân không. Walmart cũng đang tìm các phương pháp hiệu quả hơn để đóng gói thịt.

Đóng gói cũng làm nên nhiều điều tuyệt vời cho khách hàng. Loại bao bì có thể niêm phong giúp giữ cho một số sản phẩm sữa được tươi hơn trong thời gian lâu hơn nhiều, khi cất trong tủ lạnh. Việc đóng gói từng miếng cho phép người mua chỉ cần sử dụng đúng phần họ cần chế biến cho bữa ăn và bỏ vào tủ đông những miếng chưa sử dụng tới. Chuỗi cửa hàng Anh Tesco hiện cung cấp món gà trong bao bì được chia khẩu phần sẵn. Vào năm 2016, Tesco cho biết Công ty đặt mục tiêu sẽ không có thực phẩm nào ăn được bị bỏ vào thùng rác tại các cửa hàng của Công ty vào cuối năm 2017, giảm từ mức 59.000 tấn mỗi năm hiện nay, với một chút hỗ trợ từ các ứng dụng cho phép các tổ chức từ thiện đến thu gom những thực phẩm không còn cần đến.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng để làm ra các bao bì đóng gói chân không và loại bao bì khác, cũng phải tiêu tốn năng lượng và các nguồn lực trong quá trình sản xuất chúng. Nhưng dù sao, vẫn có lý hơn là để cho thực phẩm bị quăng vào thùng rác. Mark Little, người đảm nhận trọng trách giảm lượng rác thực phẩm tại Tesco, chỉ ra rằng mỗi tấn rác thực phẩm tương đương 3,5 tấn CO2 được thải ra. Ngược lại, một tấn bao bì đóng gói tạo ra 1-2 tấn khí thải.

Đó là sự thật mà không phải nhà bán lẻ nào cũng công nhận. Bằng chứng là một số siêu thị vẫn tìm cách hạn chế đóng gói thực phẩm, với niềm tin rằng bao bì là sự hoang phí. Nhưng việc hạn chế phủ lớp nhựa lên thực phẩm lại không có ý nghĩa gì nếu sau đó chúng bị hư hỏng nhanh hơn, theo Simon Oxley thuộc Marks & Spencer, một nhà bán lẻ Anh. Marks & Spencer là một trong những công ty đầu tiên áp dụng đóng gói chân không cách đây 1 thập niên. Theo Oxley, mặt trận sắp tới cho ngành đóng gói bao bì là đảm bảo rằng phần lớn bao bì được sản xuất ra có thể được tái sử dụng. Đó sẽ là một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh những lớp nhựa khó tái chế lại nằm ở hầu hết các bao bì đóng gói chân không.

Dù sao đi nữa, việc các nước giàu sử dụng cách đóng gói hiệu quả hơn có thể khuyến khích sự nối gót của các siêu thị ở những nước như Trung Quốc và Brazil, vốn chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của các chuỗi bán lẻ. Vào giữa thế kỷ này, thời điểm dân số thế giới sẽ lên tới gần 9,7 tỉ người theo dự báo của Liên hiệp Quốc, nhu cầu dinh dưỡng tăng cao có nghĩa rằng các trang trại, công ty chế biến thực phẩm, cửa hàng, siêu thị và các hộ gia đình sẽ phải sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Và một điều chắc chắn việc đóng gói thực phẩm một cách thông minh sẽ giúp ích rất nhiều.

Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư