Vì sao đóng gói đồ ăn thực ra lại rất tốt cho môi trường?

Một số hình thức bao gói, đặc biệt là với các loại thịt, lại là hình thức bảo vệ môi trường hữu hiệu.

totmoitruong-21-3-2017

Các siêu thị đều tìm cách hấp dẫn người tiêu dùng mua thêm hàng hóa bằng cách bài trí thông minh và các chương trình khuyến mãi cực kỳ khéo léo. Nhờ cách đóng gói, các sản phẩm được trưng ra với vẻ ngoài quyến rũ hơn. Nó cũng giúp cho hàng hóa được sạch sẽ và an toàn với người mua.

Những người ủng hộ một môi trường xanh và “thiên nhiên” hơn luôn lên án những quả chuối để trong màng bọc nhựa. Nhưng một số hình thức bao gói, đặc biệt là với các loại thịt, lại là hình thức bảo vệ môi trường hữu hiệu.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, một phần ba số lượng đồ ăn trên thế giới không đến được tay người tiêu dùng, tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm.

Gộp chung lại, khí thải nhà kính từ rác thải thức ăn bỏ đi còn cao hơn lượng khí thải ở Ấn Độ, Brazil hay Ả rập Xê út, vì để tiêu hủy những thứ này nghĩa là nước, xăng, phân bón và những nguyên vật liệu khác tạo nên chúng đều trở nên phí phạm. Mối nguy hại đối với trái đất này có thể giảm thiểu được nếu khoảng thời gian các loại đồ ăn nán lại trên các kệ hàng hoặc trong tủ lạnh được kéo dài thêm. Và đóng gói là một phần của chiến lược đó.

Thịt cung cấp 17% lượng calo hấp thụ vào cơ thể của dân số toàn cầu, nhưng nó lại tiêu tốn cả tiền vốn và các nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nước và thức ăn chăn nuôi.

Nhìn chung, ngành chăn nuôi cũng gây ô nhiễm tương đương với các phương tiện giao thông trên toàn thế giới.

Các loại động vật nhai lại, như gia súc và cừu, có dạ dày chứa các loại vi khuẩn tiêu hóa được nhiều loại cây giàu chất xơ. Nhưng về lâu về dài, lượng khí methane cũng bị chất lại rất lớn – đó là loại khí thải nhà kính mạnh hơn 20 lần so với khí CO2 nếu được ủ trong 100 năm.

totmoitruong-21-3-2017-2

Đóng gói thịt trong túi chân không có thể ngăn chặn ô xy hóa, kéo dài thời hạn sử dụng. Nó cho phép thịt đỏ nằm trên các kệ hàng từ 5 đến 8 ngày, so với 2-4 ngày nếu chỉ được gói trong một khay nhựa hoặc phủ khăn lên phía sau quầy. Điều này rất có lợi cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm lớn, giúp họ tiết kiệm hàng ngàn USD mỗi tuần nếu không phải vứt đi số thịt đã hỏng hoặc sắp hết hạn sử dụng. Nó cũng khiến các đầu bếp hài lòng hơn, vì thịt đóng trong túi chân không thường mềm hơn.

Rõ ràng là cần phải có một sự đánh đổi ở đây.

Bản thân việc đóng gói thực phẩm cũng cần rất nhiều nguồn lực. Nhưng lượng khí thải từ hoạt động này ít hơn nhiều so với lượng khí thải từ rác thực phẩm.

Theo ước tính, với mỗi tấn thực phẩm bao gói, lượng khí CO2 được sinh ra là khoảng 1-2 tấn. Trong khi đó với mỗi tấn rác thải thực phẩm, lượng CO2 được tạo ra là hơn 3 tấn. Vì thế trong khi trước đây các siêu thị từng tập trung vào việc hạn chế thực phẩm bao gói, thì nay họ lại coi việc kéo dài thời gian lưu hàng trên kệ là yếu tố bảo vệ môi trường quan trọng nhất.

Dựa vào số liệu cho biết lượng thịt được tiêu thụ sẽ tăng 75% vào giữa thế kỷ này, thì việc đóng gói chân không là một cách quan trọng để đẩy mạnh hiệu suất nguồn lực và nâng cao khả năng tiếp cận một nguồn protein quan trọng của loài người.

Nguồn: Tri Thức Trẻ