Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất

Dù đã có nhiều kết quả khả quan trong việc nghiên cứu, lai tạo, nhưng đến nay, những ứng dụng của công nghệ sinh học vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi trong đời sống.

Sáng 31/10, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM phối hợp với Trung tâm Công nghệ Sinh học và trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã khai mạc Hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc khu vực phía Nam lần thứ 4 – năm 2016.

Với chủ đề “Ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn”, Hội nghị là dịp tổng kết đánh giá kết quả hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại TP.HCM và khu vực phía Nam thời gian qua.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng công bố kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, thảo luận những vấn đề đặt ra nhằm phát triển ngành công nghệ sinh học giai đoạn 2016 – 2020.

Năm nay, hội nghị tập trung vào 5 nội dung chính gồm công nghệ sinh học thực vật, công nghệ sinh học y dược, công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học động vật – thủy sản, công nghệ sinh học môi trường – năng lượng sinh học – vật liệu sinh học – thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trong Chương trình nghiên cứu khoa học – phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 – 2020, TP đã xác định công nghệ sinh học là một trong năm chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm.

CNSH-1

Thời gian qua, nhiều kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học có tính ứng dụng cao, đã góp phần vào sự phát triển nông nghiệp của thành phố và hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ. Từ đó, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông – thủy sản, sản xuất văc-xin và tạo sản phẩm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân…

Đến nay, TP.HCM đã thu được những kết quả nhất định trong lĩnh vực công nghệ sinh học, có thể kể đến như việc tạo ra một số sản phẩm như giống hoa lan mới, các sản phẩm phân bón vi sinh, kit chẩn đoán bệnh cho người và vật nuôi, vác-xin cho cá tra,…

Tuy nhiên, có một thực tế, là hiện nhiều mô hình ứng dụng của chúng ta mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chậm nhân ra diện rộng trong sản xuất và đời sống. Số lượng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ sinh học còn hạn chế và thiếu sự liên kết với các tổ chức nghiên cứu.

Thiện An, http://khampha.vn – Nguồn tin: www.dost.hochiminhcity.gov.vn