DOANH NGHIỆP CẦN CÓ NHIỆT HUYẾT CỦA STARTUP

Ông Trần Văn Đằng, thạc sĩ Học viện công nghệ Massachusetts đã chia sẻ như vậy tại buổi tọa đàm “Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhà nước” diễn ra sáng 24-11- 2016..

Tọa đàm do Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TPHCM, kênh truyền hình FBNC phối hợp cùng tạp chí Khám phá tổ chức. Khoảng 50 lãnh đạo doanh nghiệp, phóng viên báo đài và các chuyên gia kinh tế, khoa học công nghệ, nhà quản lý đã tham dự buổi tọa đàm nhằm thảo luận định hướng cụ thể để đưa khoa học công nghệ vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên địa bàn TP.

 Việt Nam đứng thấp nhất về năng lực sáng tạo

Có hơn 10 năm làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia và từ kinh nghiệm startup bản thân, ông Trần Văn Đằng, thạc sĩ Học viện công nghệ Massachusetts có phần trình bày về mối quan hệ giữa startup và corporation (công ty lớn, trong đó có DNNN). Ông hình tượng quá trình tái cấu trúc DN với KHCN nên giống như một con người có đầu óc của một corporation và trái tim nhiệt huyết, thử thách của startup.

Để đưa yếu tố đổi mới sáng tạo (ĐMST) vào DNNN, trước tiên phải ưu tiên yếu tố con người, họ chính là nguồn sáng tạo quan trọng tiên quyết. Có con người tốt phù hợp với quá trình ĐMST sẽ quyết định chất lượng sản phẩm và khả năng kinh doanh hiệu quả của DN về lâu dài.

Nhìn lại tình trạng phát triển kinh tế của VN, Tổng biên tập kênh FBNC, ông Bùi Văn cho biết: “Hiện nay, người ta chia các nước trên thế giới ra thành 3 giai đoạn phát triển: dựa vào tài nguyên thiên nhiên, năng suất chất lượng và năng lực sáng tạo. Sau nhiều năm cố gắng, Việt Nam đã thoát nhóm đầu tiên, mới chuyển qua nhóm thứ 2. Nhưng ĐMST và ứng dụng KHCN vẫn đang là vùng lõm của Việt Nam”.

Các khách mời tham gia tọa đàm

Các khách mời tham gia tọa đàm

Ông Văn cũng dẫn ra nhiều chỉ số mạnh mẽ: “Trong khối RCEP (các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ), VN đứng thấp nhất về năng lực sáng tạo và khả năng doanh nghiệp tiếp thu công nghệ. VN cũng đứng thứ 121/140 về khía cạnh doanh nghiệp tiếp thu công nghệ và năng lực kết nối của trường ĐH với doanh nghiệp. Nhưng khảo sát của diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, DN VN khá tự tin về năng lực sáng tạo của mình và không coi thiếu năng lực sáng tạo là khó khăn trong kinh doanh”.

Thực tế, các DN đổ xô tham gia các tọa đàm về tài chính, ngân hàng, marketting nhưng khá thờ ơ khi nói về KHCN và ĐMST.

Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng, ông Huỳnh Kim Tước nói: “Bất cứ sản phẩm nào đều có vòng đời phát triển và suy thoái của nó. Nhưng lại không có ai nghiên cứu, tìm tòi để sáng tạo ra sản phẩm mới thay thế cho sản phẩm cũ. Trong khi xu hướng của thị trường hiện nay là gia tăng chất lượng thì doanh nghiệp Việt chỉ quan tâm đến nguồn lực để có thị trường và tổ chức sản xuất mà rất ít chú trọng đến làm R&D để phát triển sản phẩm, dịch vụ”.

Một số đại diện cũng thắc mắc về việc hỗ trợ ứng dụng KHCN trong khu vực DN tư nhân. Giám đốc sở KH&CN, ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ĐMST, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020.

 Chia sẻ tầm nhìn giữa doanh nghiệp và Nhà nước

Từ trải nghiệm cá nhân, ông Tước chia sẻ: “Đặc thù của doanh nghiệp chúng ta là đến lúc sắp “chết” mới chịu thay đổi. Phải là doanh nghiệp có tầm nhìn tốt thì mới thích nghi và thay đổi nhanh nhờ ĐMST”.

Trường hợp tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – nguyên chủ tịch hội đồng R&D của tổng công ty Liksin – kể lại: “Giai đoạn 1990 – 1995, Liksin đang trên bờ vực phá sản với hơn 200 tỷ đồng tiền nợ. Chính ĐMST vào thời điểm đó đã cứu sống Liksin. Năm 1995, chúng tôi là doanh ngiệp có KHCN cao tại TPHCM”.

Sau nhiều năm triển khai các chương trình hỗ trợ ứng dụng KHCN vào DN, ông Đỗ Nam Trung -Trưởng phòng quản lý công nghệ, Sở KH&CN – cho biết: “Nhiều DNNN đã quan tâm và thành lập các quỹ phát triển KHCN trong doanh nghiệp, tạo thành nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu”.

“Nhưng khó nhất là sự chia sẻ tầm nhìn giữa nhà nước và doanh nghiệp. KHCN phải là cái đi trước, nhưng không phải cái gì Sở KHCN thấy và muốn đi trước, DN cũng làm theo” – ông Tước bổ sung ý kiến. “Sở đã chuẩn bị cho DN về nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất chất lượng từ 15 năm trước cho 600 doanh nghiệp tại TP.HCM. Thế nhưng, DN ít khi đi nghe về công nghệ, chỉ muốn giải quyết trước mắt chứ không giải quyết bài toán bền vững, không thấy được tác động của công nghệ”.

Khép lại buổi tọa đàm, GĐ sở KH&CN Nguyễn Việt Dũng nhắn gửi thông điệp đến các doanh nghiệp là “phải thay đổi chính mình. Nếu không, chúng ta không thể nào theo kịp được sự phát triển của thế giới”.

 Tần Hương – khampha.vn