CASE đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì

Với những thành tích nổi bật, đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE) đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì

Sáng 25/11, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE) đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì và Khánh thành tòa nhà CASE.

Là đơn vị trực thuộc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM được thành lập vào ngày 18/2/1985 theo quyết định số 21/QĐ –UB của UBND TP.

Hiện nay, CASE là đơn vị KHCN hoạt động trong lĩnh vực phân tích thử nghiệm, nằm trong hệ thống các phòng phân tích thí nghiệm của cả nước và khu vực.

Từ những ngày đầu thành lập trên cơ sở hợp tác của 2 Chính phủ Việt Nam và Pháp với không ít khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và trình độ kỹ thuật, đến nay, CASE đã trở thành đơn vị KHCN phát triển với các thành tích đáng khích lệ.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM trao Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước cho tập thể CASE

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM trao Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước cho tập thể CASE

Với uy tín của mình, CASE đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ phân tích thí nghiệm uy tín cho nhiều khách hàng lớn như Vinamilk, Sabeco, Kinh Đô…

Bên cạnh đó, CASE còn góp phần giải quyết những vấn đề nóng của xã hội về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng…

Theo bà Chu Vân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM: “Huân chương Lao động Hạng Nhì chính là một dấu son trong quá trình hình thành và phát triển của CASE. Khẳng định những thành quả mà tập thể CASE đã cùng nhau cố gắng đạt được. Thành quả này cũng là quả ngọt của sự quan tâm của UBND, của Sở KH&CN TP.HCM và các đơn vị liên quan trong chính sách đối với KHCN. Đây cũng là sự xác nhận tin cậy của khách hàng đối với CASE”.

Là người có công lớn trong việc kêu gọi thành lập CASE, GS. Nguyễn Ngọc Trân, Chuyên gia cao cấp Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia nhớ lại thời gian ông đảm nhận vị trí Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước. Đồng thời, ông được Bộ Ngoại giao cử làm Đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên chính phủ về hợp tác văn hóa – khoa học kỹ thuật Việt  – Pháp.

Trân cho biết, thời điểm đó, hợp tác giữa Việt Nam và Pháp chỉ là trao đổi chuyên gia, đào tạo, chứ không hề có việc mua sắm, tài trợ trang thiết bị máy móc như bây giờ.

Casehc-2

Bà Chu Vân Hải, Giám đốc CASE nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Lý do là bởi theo quy định của Pháp, muốn chi viện cho nước nào về thiết bị, thì nước đó phải là thành viên của cơ chế FAC. Thời điểm đó, Việt Nam chưa tham gia cơ chế này.

“Muốn tranh thủ được viện trợ, thì chúng ta phải vượt qua trở ngại này đầu tiên. Chúng tôi đã mất hơn 1 năm để thuyết phục Chính phủ Pháp rằng, đầu tư vào một trung tâm như vậy tại Việt Nam chỉ có lợi cho sự hợp tác giữa hai nước”, GS. Trân chia sẻ.

Sau khi được Chính phủ Pháp đồng ý, thì việc tiếp theo là đưa trung tâm này về đâu cũng gặp phải những ý kiến trái chiều.

Có người đề xuất đưa về Viện Khoa học Việt Nam, nơi gần như được chỉ định để nhận những thiết bị KHCN tiên tiến nhất trên thế giới. Nhưng cũng có người đề xuất đưa về trung tâm 3(Quatest 3)  trực thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ.

“Sau khi trao đổi với các thành viên trong ban lãnh đạo Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, tôi quyết định đưa trung tâm này về TP.HCM. Lý do là bởi tôi nghĩ rằng, một trung tâm dịch vụ phân tích phải phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và nghiên cứu khoa học. Chứ nếu chỉ làm thuần túy về khoa học thì không thể phát triển được”.

Sau hơn 30 năm, có thể nói, đây chính là quyết định đúng đắn. Bởi CASE đã đi đúng hướng mà thế hệ lãnh đạo lúc bấy giờ đã đề ra từ đầu: phân tích để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đồng thời thí nghiệm để nghiên cứu khoa học.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đánh giá, hiện nay, CASE là một trong những đơn vị KHCN đứng đầu cả nước về phân tích thí nghiệm.

Có được điều này, theo ông Dũng là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo TP. Sự quan tâm không chỉ ở định hướng mà bằng hành động thực sự trong việc tạo cơ chế, chính sách và đầu tư cho KHCN, cho CASE trong những năm vừa qua. Bên cạnh đó là vai trò, năng lực lãnh đạo của bộ phận quản lý.

Thành công của CASE cũng là minh chứng cho sự hợp tác quốc tế hết sức hiệu quả.

casehc-3

Bà Chu Vân Hải trao gói tài trợ hóa học sáng tạo cho các nhóm nghiên cứu trên địa bàn TP

Một yếu tố khác dẫn đến thành công của CASE, là bởi hoạt động của trung tâm trong suốt thời gian qua luôn bám sát với hơi thở, yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội TP cũng như yêu cầu của khu vực doanh nghiệp thị trường TP. Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực chuyên môn của mình là phân tích, CASE còn quan tâm đến quản lý chất lượng tiêu chuẩn phục vụ cho hội nhập quốc tế.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Việt Dũng đã yêu cầu CASE phải tiếp tục bám sát những chủ trương về phát triển kinh tế – xã hội của TP,  phấn đấu trở thành 1 đơn vị KHCN tự chủ.

Ngoài ra, CASE cũng cần phải phát triển, đầu tư mạnh mẽ hoạt động R&D, mở rộng hợp tác quốc tế, mang lại lợi thế phát huy nguồn lực của mình.

Tại buổi lễ, ngoài việc công bố khánh thành tòa nhà CASE mới, Ban lãnh đạo Trung tâm cũng đã trao 10 gói tài trợ hóa học sáng tạo cho 4 nhóm nghiên cứu trên địa bàn TP với tổng giá trị 250 triệu đồng.

Thiện An (http://khampha.vn/)